Có 4 nhóm thực phẩm chính mà mẹ cần bổ sung trong thực đơn ăn dặm cho bé yêu, đó chính là đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất. 3 nhóm thực phẩm đầu tiên sẽ cung cấp năng lượng cho những hoạt động hằng ngày của bé còn nhóm cuối cùng, vitamin và khoáng chất, dù không tạo ra năng lượng nhưng rất cần thiết, giúp bé luôn khoẻ mạnh. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn 4 nhóm thực phẩm này mẹ nhé!
Nhóm thực phẩm cần có trong thực đơn ăn dặm cho bé
- Chất bột đường (gluxit/ carbohydrat)
Mẹ có thể bổ sung chất bột đường cho bé từ các loại ngũ cốc và củ như gạo, khoai môn, khoai lang, mì, bánh mì, miến, nui, bún, đường, bắp, bo bo… 1g carbohydrat cung cấp đến 4 Kcal năng lượng, vì thế đây là nhóm chất cung cấp năng lượng cho các chức năng và hoạt động quan trọng nhất của cơ thể. Bé cần chất bột đường để cấu tạo nên tế bào và các mô, hỗ trợ sự phát triển của hệ thần kinh và não bộ, đồng thời cũng điều hoạt động cơ thể và cung cấp lượng chất xơ cần thiết.
Mẹ nhớ chế biến nhóm bột đường phù hợp với độ tuổi của bé nhé:
- 6 tháng tuổi: bột ăn của bé phải thật mịn
- 7 tháng tuổi: Bột có độ mịn vừa phải
- 8 tháng tuổi: Bột có độ lợn cợn ít hoặc cháo nhuyễn
- 9-12 tháng tuổi: Cháo nấu mịn
- 12 tháng tuổi: Cháo có độ lợn cợn nhiều hơn, hạt to
- Chất béo (lipid)
Có nhiều trong dầu, mỡ, bơ, chất béo là nguồn dự trữ cũng như cung cấp năng lượng ở dạng đậm đặc nhất cho cơ thể, 1g chất béo mang đến 9 Kcal năng lượng. Chất béo còn giúp bé hấp thu tốt các vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin K, E, A, D và giúp tế bào não, hệ thần kinh của bé phát triển tốt.
Để bổ sung chất béo cho bé, mẹ có thể trực tiếp cho vào chén bột, cháo nóng nếu là dầu thực vật, dầu ô liu. Trường hợp là dầu hỗn hợp, mẹ nên thêm vào trong quá trình nấu nướng để dầu chín trước khi cho bé ăn.
- Chất đạm (protid)
Đạm là nguyên liệu của cả quá trình xây dựng tế bào cơ thể, cơ, xương, răng… lẫn quá trình tạo dịch tiêu hoá, các men và hormone giúp điều hoạt hoạt động cơ thể, đồng thời cũng sản xuất các kháng thể chống chọi bệnh tật. Cũng giống như 2 nhóm chất trên, đạm cũng cung cấp năng lượng cho cơ thể, cứ 1g chất đạm cho 4Kcal năng lượng. Ngoài ra, đạm còn tham gia vận chuyển các dưỡng chất và điều hoà cân bằng nước. Mẹ có thể bổ sung đạm cho bé từ thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, các loại đậu, đậu nành, tàu hũ…
Mẹ cần chế biến đạm phù hợp với độ tuổi và khả năng nhai của bé, cụ thể như sau:
- 6-7 tháng tuổi: Thịt cần xay nhuyễn
- 8-9 tháng tuổi: Thịt băm nhuyễn, lược qua rây
- 9-12 tháng tuổi: Thịt băm nhuyễn
- Lớn hơn 12 tháng tuổi: Mẹ chỉ cần băm nhỏ thịt để bé không bị hóc
- Khoáng chất và vitamin
Dù không tạo ra năng lượng nhưng để thông minh và phát triển tốt, thực đơn ăn dặm cho bé không thể nào thiếu nhóm vitamin và khoáng chất, đặc biệt là kẽm, sắt, Lysin:
- Kẽm : dưỡng chất không thể thiếu trong việc phát triển thể chất của bé. Dưỡng chất này giúp hoạt động của hệ miễn dịch diễn ra hiệu quả, bảo vệ bé chống lại các tác nhân xấu gây bệnh. Kẽm có nhiều trong sữa, thịt bò, tôm đồng, hàu, sò, gan lợn, lươn…
- Sắt : dưỡng chất hỗ trợ phát triển thể chất và trí tuệ cho bé, giúp hệ miễn dịch của bé hoạt động hiệu quả. Hơn nữa, thiếu sắt, bé sẽ dễ bị bệnh thiếu máu dinh dưỡng – căn bệnh phổ biến ở trẻ em. Vậy nên, mẹ nên thêm vào thực đơn ăn dặm cho bé những thực phẩm giàu sắt như thịt bò, gan, các loại hạt (hạt điều, hạt bí,…), các loại đậu, ngũ cốc, rau có màu xanh đậm (chân vịt, bông cải xanh),…
- Lysine: loại acid amin rất cần thiết để kích thích bé ăn ngon miệng, tăng cường chuyển hóa chất dinh dưỡng, hỗ trợ khả năng hấp thụ canxi, giúp cho xương chắc khỏe và phát triển chiều cao. Thiếu Lysine, bé sẽ trở nên biếng ăn, mất tập trung, mệt mỏi… Do đó, mẹ bổ sung Lysin cho bé từ các nguồn thực phẩm như phô mai, đậu nành, thịt gà, cá ngừ, tôm, hạt bí ngô,…
Các loại vitamin và khoáng chất này thường được bổ sung từ trái cây, rau củ. Khi cho bé ăn, mẹ cũng cần chế biến và chuẩn bị phù hợp với độ tuổi của bé:
- 6 – 8 tháng tuổi: Xay hoặc tán thật nhuyễn.
- 9 – 12 tháng tuổi: Băm nhuyễn
- Lớn hơn 12 tháng tuổi: Băm nhỏ, ăn cả lá, miếng trái cây mềm…
Ngoài những nhóm dưỡng chất trên, bé còn cần được bổ sung chất xơ để phòng tránh táo bón và béo phì. Chất xơ có nhiều trong các loại dâu, rau xanh, thực phẩm từ yến mạch, đậu xanh, đậu đen và đậu đỏ.
Trên đây là những nhóm thực phẩm cần có trong thực đơn ăn dặm cho bé mà mẹ cần biết. Chúc bé của mẹ hay ăn chóng lớn nhé!